Sự nghiệp luật học Đỗ Văn Đại

Giảng dạy và nghiên cứu

Thầy Đỗ Văn Đại và Luật sư Trương Thị Hòa tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2001, Đỗ Văn Đại bắt đầu sự nghiệp giảng dạy khi là giảng viên bộ môn Tư pháp quốc tế của Pháp tại Aix-en-Provence ở ngôi trường ông là nghiên cứu sinh. Năm 2004, sau khi trở thành Tiến sĩ Luật, ông tham gia giảng dạy ở hai nước nhiều bộ môn như Tư pháp quốc tế của Việt Nam, Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh quốc tế, Luật Hợp đồng, Luật Hình sự chung, Luật Phá sản ở Paris II, Paris XIII của Đại học Paris, Đại học Aix-Marseille III, Đại học Tours, Đại học Quốc gia Lào, Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, Trường Đại học Ngoại thương và Nhà pháp luật Việt Pháp – một cơ sở giảng dạy lĩnh vực pháp lý được hợp tác xây dựng bởi Chính phủ Việt NamChính phủ Pháp. Ở Pháp, ông dành nhiều thời gian cho Aix-Marseille III khi đồng thời từng tham gia vào việc hướng dẫn nghiên cứu của học viên cao học, giáo sư thỉnh giảng, tham gia nhóm nghiên cứu quốc tế của Paul Cézannes, các hội thảo quốc tế của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ luật học tại Paul Cézannes và Tours.[5]

Năm 2007, Đỗ Văn Đại trở về Thành phố Hồ Chí Minh từ Pháp và chính thức bắt đầu giảng dạy, hoạt động giáo dục ở đây trong một khoảng thời gian dài, đồng thời là Trưởng bộ môn Luật Dân sự tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên môn về nguyên tắc chung, tài sản, thừa kế, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Năm 2011, ông giữ vị trí Quyền Trưởng khoa Luật dân sự, là Giảng viên cao cấp được phong học hàm Phó Giáo sư ngành Luật, và chính thức là Trưởng khoa từ tháng 4 năm 2012. Bên cạnh việc giảng dạy đại học, sau đại học, ông thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học về luật dân sự ở trong nước và quốc tế, đăng tải nhiều bài viết ở các tạp chí luật học quốc tế danh tiếng như Journal of International Economic Law, Revue internationale de droit comparé, Revue internationale de droit économique, Revue Recherche juridique-Droit prospectif, Uniform Law Review.[6] Cũng trong sự nghiệp của mình, ông cộng tác nghiên cứu với nhiều trường đại học, tổ chức nghiên cứu quốc tế và được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh (International Academy of Comparative Law – IACL) vào ngày 19 tháng 7 năm 2021,[7] trở thành một trong những viện sĩ Việt Nam đầu tiên của tổ chức luật học danh tiếng này.[8][9] Thời điểm trở thành Viện sĩ IACL, ông được cộng đồng khoa học ngành luật và xã hội quan tâm,[10] được nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá là "người ghi dấu Việt Nam lên bản đồ luật học thế giới";[11] được Hiệp hội Tiến sĩ Luật nước Pháp vinh danh là Portrait d’un grand juriste ("Chân dung một một Luật gia lớn").[12]

Hoạt động thực tiễn

Đỗ Văn Đại tại Hội thảo về Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, Đỗ Văn Đại tham gia những hoạt động thực tiễn khác như công tác ở đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, tất cả đều về hoạt động pháp luật. Những năm 2004–05, ông thực hiện công tác tổ chức các hội thảo về dự thảo soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật như Dự thảo Luật Doanh nghiệp chung, Luật Đầu tư chung với sự có mặt của Pierre Bézard, nguyên Chánh tòa Tòa thương mại Tòa án tối cao Pháp; Dự thảo Nghị định áp dụng Luật Thương mại với sự tham gia của Michel Raynaud, Viện Công tố Tòa án tối cao Pháp; Dự thảo Nghị định áp dụng Luật Cạnh tranh với sự tham gia của Françoise Aubert, Phó Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh Pháp; Hội thảo quốc tế về Soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế với sự có mặt của Henri Lesguillons, Tổng biên tập Tạp chí Journal of International Commercial Law; Hội thảo kỷ niệm 200 năm Bộ luật Dân sự Pháp với sự tham gia của Guy Canivet, Chánh án Tòa án tối cao Pháp.[13]

Ở trong nước, ông tham gia biên tập Tập chí Nghiên cứu lập pháp của Văn phòng Quốc hội, cùng đoàn khảo sát tại Pháp về quản lý tòa án, thống kê và hoạt động của lục sự[lower-alpha 3] với sự tham gia của Phó Chánh án Nguyễn Sơn. Giai đoạn 2012–15, ông tham gia tổ biên tập sửa đổi Bộ luật Dân sự, chỉnh lý Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo yêu cầu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.[13] Về lĩnh vực án lệ Việt Nam, Đỗ Văn Đại có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và kiến nghị trong quá trình xây dựng và phát triển án lệ, được Chánh án Nguyễn Hòa Bình bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao từ tháng 7 năm 2017.[14] Trong thời kỳ xây dựng trở lại này, ông cho rằng chính sách áp dụng án lệ vào thực tiễn sẽ góp phần đột phá tư duy áp dụng pháp luật,[15] đã đề xuất một số bản án và được Hội đồng Thẩm phán thông qua, trở thành án lệ như bản án về hợp đồng tín dụng thế chấp quyền sử dụng đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành Án lệ 36;[16] bản án tranh chấp hợp đồng dịch vụ nổi tiếng ở khu du lịch tỉnh Khánh Hòa của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang trở thành Án lệ 42.[17][18]

Bên cạnh đó, ông tham gia hoạt động ở các tổ chức phi chính phủ, là Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam từ 2018; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và được vinh danh là một trong tám Ngôi sao giải quyết tranh chấp nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập VIAC vào năm 2019;[19] đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học VIAC từ 2012. Trước khi trở thành Viện sĩ của IACL, ông là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Việt Nam tại Viện Hàn lâm.[20]